Sau khi chị Thắm bị đưa vào khu cách ly tập trung tại quận 3 - TP Hồ Chí Minh, cả nhà đều hồi hộp vì tất cả tự hiểu mình đã là F1.
Những ngày căng thẳng
Tối 20/7, mỗi người trong gia đình đều vào phòng riêng, không ăn cơm chung như thường lệ, chờ y tế gọi đi test, nhà chưa bị giăng dây. Nhận tin gia đình “dính nạn”, các chị và anh ruột nhà ở gần đó chở một thùng xốp với rất nhiều rau, củ, quả, mì tôm, gạo, cá các loại, thịt heo… đến đặt trước nhà. Nhân tiện, anh Bằng chụp tấm “biển đỏ, chữ vàng” do UBND phường dán trên tường, để gửi cho người phía bên trong xem: “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19”. Cả xóm ngạc nhiên, vì trước đó chỉ một tuần (tức ngày 13/7), sau khi y tế phường lấy mẫu dịch tễ xét nghiệm, cả nhà tôi đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Tấm ''biển đỏ, chữ vàng'' được dán trước nhà có người F1 tại TP Hồ Chí Minh
Đến hết ngày hôm sau, cả nhà vẫn chưa bị nhân viên y tế gọi tên, bởi chị Thắm vẫn chưa có kết quả PCR của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Song song đó, thông tin trên các báo thể hiện lúc này các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung đã đầy ắp người. Cháu Tú, làm bác sĩ đang ở tuyến đầu phòng chống dịch, nhắn tin: “Cậu và gia đình cố giữ gìn sức khỏe. Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cho thí điểm tự cách ly tại nhà. Nhà cậu đủ điều kiện theo hướng dẫn”. Việc chưa bị đưa đi cách ly tập trung không chỉ riêng gia đình tôi, mà còn rất nhiều trường hợp khác trong quận 6 cũng phải ngồi chờ.
Đứa em ở phường 5, nhắn tin: “Anh ơi hẻm nhà em có 26 gia đình, nhưng có tới 24 nhà có ca dương tính…, giờ cũng chưa bị đi cách ly tập trung”. Lý Khôn, bạn học thời trung học phổ thông, nhà ở khu dân cư Bình Phú phường 10, gọi điện gần 20 phút để phản ánh: Tại sao vợ tôi đã bị đưa đi cách ly một tuần, nhà tui đã bị giăng dây, nhưng gia đình tôi vẫn chưa ai được y tế đến lấy mẫu xét nghiệm? Tôi đã không thể trả lời thẳng câu hỏi của Khôn. Tôi nhắn tin: “Bạn hãy bình tĩnh, hãy xem tấm hình “biển đỏ, chữ vàng” dán trước nhà mình, bạn sẽ hiểu”…
Trong lúc chờ đợi, cả gia đình cùng lên mạng để đọc các thông tin trên trang của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), trên các báo, facebook… hướng dẫn cách phòng chống Covid-19 tại nhà và chờ đợi kết quả xét nghiệm PCR của cả gia đình và chị Thắm. Tối 24/7, từ trong khu cách ly, chị Thắm chụp kết quả xét nghiệm PCR của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh gửi vào nhóm gia đình với kết quả… âm tính, cả nhà vỡ òa vui mừng. Bởi lẽ, nếu phải bị cách ly tập trung, rất mệt mỏi. Vì trước đó, khi chợ đầu mối hải sản Bình Điền ở phường 7, quận 8 bùng phát dịch, Hải -bạn tôi mỗi ngày gọi 4-5 cuộc phản ánh chuyện ăn uống trong khu cách ly tập trung không đúng giờ, nước uống không đủ trong khi người nhà gửi đồ ăn vào thì không được tiếp nhận.
Chuẩn bị tâm lý… đi cách ly
Ở các gia đình khác, tôi không biết, nhưng với gia đình tôi khi nghe tin người thân bị cách ly tập trung, tất cả mọi người đều tự ý thức mỗi người mỗi phòng và đã không còn bữa cơm thân mật. Việc nấu nướng được giao cho Nguyệt - Em gái tôi. Mỗi bữa sáng - trưa - chiều, sau khi nấu xong cơm canh, Nguyệt đưa lên tầng trên cùng cho chồng, con trước rồi mới xuống phòng tôi, phòng của Bách. Cách đưa thức ăn như vậy để một người không phải lên xuống các lầu nhiều lần và hạn chế tiếp xúc.
Sáng 23/7, dân trong hẻm 99 tiếp tục ra test nhanh, lại phát hiện thêm nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2, nhưng số người không ra test vẫn còn. Trên mạng xã hội lan truyền thông tin thành phố sẽ phải thực hiện Chỉ thị 12 của Thành ủy. Cửa sổ sau lưng nhà tôi đều được đóng kín, nhưng cửa trước ban công, cửa sổ bên hông nhà được mở toang và bật quạt với số lớn nhất để thổi không khí. Cả nhà cũng chuẩn bị sẵn vật dụng cá nhân, dây sạc điện thoại, laptop… và chuẩn bị sẵn tinh thần… đi cách ly.
Một khu vực bị phong tỏa trên đường Gia Phú, phường 1, quận 6 - TP Hồ Chí Minh, vì có ca Covid-19
Chiều, vợ nhắn vào nhóm zalo gia đình: “Cổ họng ngứa và mệt”. Nguyệt lại bê lên từng tầng để đem cho mỗi thành viên trong nhà một cốc nước chanh và không quên đặt thêm viên C sủi ngay bậc thềm cầu thang. Dưới nhà, bên kia đường người dân trong hẻm tiếp tục ngồi chờ để y tế lấy mẫu test nhanh và lại có nhiều ca dương tính…
Chiều 25/7, vợ chồng em gái cùng 2 cháu Cherry và Bách có kết quả PCR… dương tính. UBND phường gọi điện báo chuẩn bị đi cách ly. Khoảng 30 phút sau, xe của Công an phường đến đỗ trước nhà đón 4 người đến một ngôi trường ở phường 8 để tập trung. Tuy nhiên, không hiểu vì “nhầm lẫn” gì đó trong khâu thủ tục giấy tờ, các em và hai đứa cháu tôi lại bị… chở nhầm lên Bệnh viện dã chiến ở tận quận 12. Tại đây, bộ phận tiếp nhận không thấy hồ sơ của gia đình tôi, biết đã chuyển nhầm nên 4 thành viên trong gia đình phải tiếp tục ngồi chờ… làm các thủ tục. Hơn 20 giờ 30 phút tối cùng ngày, xe của Công an phường chở các em, cháu về nhà tự cách ly sau khi đã có đơn cam kết và gia đình tôi được tự cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về đến nhà, cả gia đình chỉ biết nhìn nhau. Lỡ có cách ly tập trung đi nữa, đối với người lớn vẫn không có vấn đề gì trong sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ hàng ngày, vì trước đó cả nhà đã sẵn sàng tâm lý “khăn gói” lên đường đi cách ly, nhưng Cherry chỉ mới 8 tuổi sẽ rất khó khăn…
“Nghĩa tình” chưa thể đến với tất cả mọi người…
Nhiều người sẽ hỏi: Trong những ngày bị phong tỏa, người trong khu phong tỏa mua lương thực, thực phẩm như thế nào, đặc biệt TP Hồ Chí Minh đã áp dụng Chỉ thị 12 là cấm ra đường từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau?
Ngày 25/7, trên con đường nhà tôi chỉ có hẻm 99 bị phong tỏa, việc mua thức ăn mỗi nhà cũng đã được cấp phiếu. Gia đình tôi luôn chấp hành bằng cách nhắn tin nhờ đồng nghiệp, bạn, anh em ruột gần đó là những người có giấy đi đường…, mua giúp những thứ cần thiết. Một tuần, đồng nghiệp của vợ và chị Thắm đem đến trước thềm nhà tôi 2 lần thực phẩm. Tuy nhiên khi dịch bệnh ngày càng tăng, việc đi lại khó khăn, phường không cho shipper giao hàng để phòng nguy cơ lây nhiễm, lúc này các nhà bị phong tỏa buộc phải nhờ tổ nhân viên của chính quyền địa phương mua giúp thực phẩm. Mỗi lần thực phẩm được đem đến để trên bậc tam cấp trước nhà, các anh chị sau khi đã rời xa hơn 10m, nhắn tin để gia đình mình mở cửa đem vào trong. Trừ những bó rau… 0 đồng, tất cả chi phí mua rau, củ quả khác đều được chuyển khoản qua điện thoại vì không ai dám nhận tiền từ người đã mang danh F1, F0.
Tôi nhận rất nhiều cuộc gọi phản ánh việc nhận tiền trợ cấp cho người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Lý, nhà ở quận Bình Thạnh, gọi: “Anh ơi sao em thuộc diện khó khăn nhưng không được hỗ trợ? Gần một tháng trước, tổ trưởng có lấy giấy CMND của em để ghi chép gì đó. Em tưởng mình được hỗ trợ. Trong khi nhiều người ở hẻm kế bên nói với em là đã được nhận tiền trợ giúp…”. Còn những cuộc gọi khác có nội dung gần giống nhau: “Anh ơi, nhà em không có thức ăn! Nhà em chưa được nhận trợ cấp của chính quyền…”. Tôi đã trả lời tất cả cuộc gọi: “Chính quyền không bỏ lại ai ở phía sau. Hãy liên hệ với tổ trưởng dân phố lần nữa, sẽ có”.
Thực ra, chính quyền không bỏ lại bất cứ ai ở phía sau, có chăng do một bộ phận cán bộ ở cấp cơ sở chưa làm tốt công tác ghi nhận thông tin. Thậm chí, một vài nơi, còn có biểu hiện thù cá nhân, ghét người này, ưu ái người khác. Bởi lẽ, mấy chục năm nay ở TP Hồ Chí Minh, công tác chăm lo cho người nghèo, người yếu thế được thực hiện rất tốt. Cụ thể, ngay từ đầu tháng 6/2021, chính quyền thành phố đã phê duyệt hỗ trợ đợt 1 với số tiền hơn 1.075 tỷ đồng cho hơn 620.000 lao động, trong đó người hành nghề xe ôm, hót rác, bán vé số dạo… đã hơn 230.000 người. Chiều ngày 25/7, Trần Thanh Tùng, người bạn ở xóm cũ, giờ về sống tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, nhắn tin trên zalo: “Mình vừa nhận được 1,5 triệu đồng của thành phố hỗ trợ do tổ trưởng dân phố đem đến”. (Còn nữa)